Bình Ba đảo ngọc hoang sơ

Nằm cách bờ khoảng 8 hải lý về phía Đông, cái tên Bình Ba đúng nghĩa với vị trí nơi hòn đảo tọa lạc, “thủ phủ” nguyên sơ này được ví như bức tường chắn sóng, gió cho toàn khu vực eo vịnh Cam Ranh.

Đảo Bình Ba – Hòn ngọc quý . Ảnh: CHUONGPX

Từ thành phố biển Nha Trang xinh đẹp, ôm theo con đường hoa đang mùa khoe sắc dọc đại lộ Nguyễn Tất Thành, sau điểm dừng chân ở cầu cảng Ba Ngòi (Cam Ranh) và trải qua hơn một giờ ngồi tàu thủy, du khách đã có mặt trên vùng đất được mệnh danh là “xứ đảo tôm hùm” – Bình Ba.

Khách sạn Sơn Anh nằm cách cầu cảng 300m, du khách có thể đi bộ hoặc ghé canô đỗ tại Nhà Bè Sơn Anh

Đất lành chim đậu

Theo các cụ hào lão trên đảo Bình Ba kể lại: “Dưới thời Tây Sơn, Nguyễn Huệ đã giao cho Trần Quang Diệu trấn nhiệm hải cảng Cam Ranh, vì đây là địa yếu, nhằm ngăn cản quân Nguyễn Ánh mượn sức gió nồm căng buồm thẳng ra kinh thành Phú Xuân…”. Có thông tin khác cho rằng: Khoảng năm 1723, đảo Bình Ba đã có người ở và câu chuyện ly kỳ kể về ba người làm nghề chài lưới ở tỉnh Bình Định, trong lúc đánh cá trên biển đã bị sóng to, gió lớn đẩy dạt vào đảo. Khi lên bờ, ba ngư dân thấy đảo tuy nhỏ nhưng có nhiều lợi thế cho việc làm ăn, sinh sống nên quyết định đưa anh em, bà con cùng quê hương ra đảo, rồi từ đó dần dần dựng làng, lập ấp…

Làng đảo Bình Ba nằm yên ả ở phía Nam, dưới chân ba ngọn núi Ma Du, Hòn Cò và Mũi Nam chụm lại. Đây là những dãy núi che chắn phong ba, bão táp cho vịnh Cam Ranh.

Hiện nay, làng đảo Bình Ba đang lưu giữ nhiều giai thoại khó quên như: Nguồn gốc của ba vị Tiền Hiền có tên là Nguyễn Phụng, Nguyễn Hơn và Nguyễn Tùng, tên gọi đầy bí ẩn của các ngọn núi cho đến ý nghĩa chính cái tên làng đảo Bình Ba.

Truyền thuyết được ngư dân kể lại: Tên gọi Bình Ba, chữ ” Bình” có thể là “bình yên”, cũng có thể là “Bình Định” vì họ cho rằng cha ông của họ được di cư từ đất Bình Định vào đây sinh sống, lập nghiệp từ khoảng cuối thế kỷ XVII và đầu thế kỷ XVIII. Tuy nhiên, từ xưa đến nay, tên gọi và sự tôn trọng giá trị lịch sử của nó vẫn không hề thay đổi.

 

Truyền thuyết Núi Bà Nằm

Người dân Bình Ba sống bao đời nay hiền hòa và sung túc bởi trời phú cho nguồn thiên nhiên tôm cá dào dạt vô tận, có lẽ bởi vậy nên dù ngày nay khi dịch vụ du lịch nở rộ trên đảo, người dân vẫn giữ một nhịp sống hiền hòa không quá vội vã, bon chen. Cứ chiều chiều người dân tụ nhau từng tốp theo các tàu lên thuyền ra khơi đánh cá, tới gần sáng khi thuyền nào cũng đầy ắp tôm cá, sản vật biển khơi, các tàu chở vào các bến cảng, nơi người ta thu mua hải sản, những người ngư dân lại mua đổi lấy các nhu yếu phẩm hàng ngày chở về đảo vào buổi sớm tinh mơ.

Bình minh trên đảo Bình Ba, mặt trời ló rạng sau rặng núi, hình dáng nghiêng nghiêng của người phụ nữ đang nằm hiện lên đúng như tên gọi núi Bà Nằm. Tên gọi đấy cũng phần nào đó tôn vinh người phụ nữ Bình Ba, người phụ nữ xứ đảo nơi đây có đời sống an nhàn, sung sướng hơn các nơi khác. Hàng ngày những người đàn ông ra khơi, người đàn bà Bình Ba chỉ ở nhà chăm con đợi chồng về, có nhiều thời gian chăm sóc bản thân. Bởi vậy cùng là người dân xóm chài nhưng phụ nữ Bình Ba nổi tiếng đẹp nhất vùng, dù vậy người phụ nữ Bình Ba kể cả khi đi lấy chồng cũng chỉ muốn lấy người trên đảo, không muốn đi đâu.

Bình Ba – hoàng hôn bình yên –  Ảnh: NAG Tran Minh Son

Kiến trúc – Văn hóa – Nghệ thuật

Đảo Bình Ba hiện nay có nhiều công trình kiến trúc được xếp vào loại hình di tích nghệ thuật, đặc biệt kể đến là lăng Nam Hải Bình Ba và đình Bình Ba. Đây là những di tích có lối kiến trúc phong nhã, mang đậm nét văn hóa thuần Việt, có những họa tiết hoa văn sinh động với “Lưỡng Long”, “Rồng chầu- Phượng múa”… Đặc biệt, trên các bờ nóc, bờ dải có những hoa văn đặc thù của lăng Ông – nơi thờ cúng Cá Voi của ngư dân ven biển Miền Trung.

Lễ hội cầu ngư được diễn ra tại Bình Ba với các nghi lễ: hò Bá trạo, cúng mở cửa lăng, cúng Ông nhỏ, cúng Cô nhập… Lễ hội tổ chức trong không khí trang nghiêm, đậm đà bản sắc văn hóa vùng, miền. Đặc biệt hơn, cứ 3 năm lại đáo lễ Hát Bội một lần để phục vụ bà con nhân dân thưởng thức sau những ngày lao động vất vả. Đây cũng là dịp để dân làng gặp gỡ những người con xa quê hương trở về tụ họp, chung vui trong ngày hội làng và để mọi người thắp nén nhang tỏ lòng thành kính “Uống nước nhớ nguồn” đối với Thần Nam Hải, Thành hoàng, Tiền hiền và Hậu hiền – những vị thần hay người có công trạng bảo vệ dân làng, phù hộ ngư dân làm ăn sinh sống.

Truyền thống Lịch sử giữ nước

Ngày nay trên đảo ngoài những bốt gác bộ đội mới xây, vẫn còn dấu tích những đồn bốt xây từ thời pháp, những chân Pháo để kê những họng Pháo lớn từng hướng ra biển ngày đêm canh giữ.

Hiện nay, có không ít đơn vị quân đội đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo đóng quân ở đây. Quan hệ giữa bộ đội với nhân dân trên đảo rất tốt. Nhiều sĩ quan, chiến sĩ sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong quân đội đã tự nguyện ở lại xây dựng gia đình, sinh sống lâu dài trên đảo. Bộ đội và thanh niên trên đảo thường xuyên giao lưu thể thao, sinh hoạt văn nghệ, đốt lửa trại… làm cho tình quân dân trên đảo ngày càng thêm gắn bó.

Tàu Quân đội ghé Sơn Anh đưa đoàn du khách đi thăm đảo

Bình Ba – xứ đảo tôm hùm

Với diện tích toàn đảo hơn 300ha và trên 700 hộ dân sinh sống, những bãi cát trắng trải dài và làn nước luôn trong xanh, thơ mộng, Bình Ba là hòn đảo tập trung chủ yếu vào ngành nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản đa dạng như: Sò điệp, trai, ốc hương, cua, ghẹ và các loại cá…đặc biệt là tôm hùm. Một thú vui không thể thiếu trong chuyến đi thăm đảo Bình Ba là lên ngắm lồng bè nuôi tôm hùm. Có thể nói nghề này là nguồn thu nhập chính của những ngư dân nơi đây.

Đặc sản của Đảo Bình Ba, vô vàn hải sản tự nhiên quý hiếm đều có thể tìm thấy ở Nhà Bè Sơn Anh

Một bữa trưa trên bè tôm hùm sẽ cho thực khách sự trải nghiệm vô cùng thú vị. Ngồi giữa bè bồng bềnh trên biển xanh lộng gió, thưởng thức món gỏi cá mai, cháo nhum và món cá bớp nhúng giấm pha chút xá xị thơm lừng cuốn với rau và bánh tráng, hẳn là một cảm giác không bao giờ quên được!

Nếu có điều kiện hơn, thực khách có thể thưởng thức ly rượu huyết tôm và món tôm hùm hấp hoặc sốt me bắt tại lồng bè. Ngoài ra, du khách sẽ được tự tay đi bắt ốc, câu cá và thử thách tính mạo hiểm của mình khi đi qua lại những thanh gỗ hẹp bắc ngang dọc bè, ngắm cá bớp tung tăng trong những chiếc lồng cỡ lớn, quan sát điều kiện sinh hoạt của ngư dân thường ngày trên bè, hay xem “Kình Ngư” lặn xuống lồng cho tôm hùm ăn…

Địa danh Bình Ba đã trở nên quen thuộc khi nhắc đến những đặc sản ẩm thực nổi tiếng đã gắn liền với vùng đất du lịch Khánh Hòa nhiều năm, từng được ca dao nhắc đến:

“Yến sào Hòn Nội
Vịt lộn Ninh Hòa
Tôm hùm Bình Ba
Nai khô Diên Khánh…”

Những năm gần đây, du khách đã biết đến hòn đảo hoang sơ này ngày càng nhiều hơn, nhất là các chuyến du lịch khám phá. Hy vọng trong tương lai, Bình Ba sẽ là một cái tên không thể thiếu trong chuyến hành trình của bạn.

Hòn Rùa mang hình dáng một ông rùa biển khổng lồ mang trên mình một ốc đảo xanh đang vươn mình bơi ra biển – Ảnh: NAG Tran Minh Son